Bóng bay nghệ thuật sát cánh hải quân VN

Tình hình Biển Đông: Áp lực đè nặng, Trung Quốc giãy nảy

(Tin tức thời sự) - Tình hình Biển Đông: Cả thế giới đã lên tiếng, Trung Quốc không muốn quốc tế hóa nhưng tự thân họ đã đẩy vấn đề ra quốc tế.

Nếu Trung Quốc vượt quá giới hạn, chúng ta phải tự vệ đáp trả

Trước việc Trung Quốc điều máy bay tiêm kích xâm phạm không phận Việt Nam, ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (Quốc hội) hôm 11/5 cho rằng, Trung Quốc đã đẩy căng thẳng leo thang thêm một bước nữa, đây là hành động ngang ngược và nguy hiểm.

“Theo tôi, chúng ta phải tiếp tục có phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Thông báo và nói rõ hành động đó đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển. Và nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới gây tình hình căng thẳng, vượt quá giới hạn thì Trung Quốc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”, ông Trường.

Cho đến giờ phút này, theo ông Trường, Việt Nam đã tiến hành các hành động cần thiết và kịp thời kể cả trên thực địa và mặt trận ngoại giao quốc tế, đặc biệt tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Tại đây, các Bộ trưởng đã ra được thông cáo chung rất quan trọng và Việt Nam vẫn cứ thực hiện biện pháp đấu tranh dựa trên các căn cứ pháp lý, văn bản và bên cạnh đó chuẩn bị sẵn cho mọi tình huống xấu nhất.


“Thái độ của chúng ta tuyên bố như vừa qua phù hợp rồi, phản ứng của các tổ chức chính trị xã hội rất tích cực, người dân ở các thành phố đã biểu tình thể hiện lòng yêu nước, thể thái độ bất bình trước hành động trắng trợn, ngang ngược của Trung Quốc.

Vấn đề bây giờ không còn là câu chuyện của hai nước mà của cả các quốc gia trong khu vực, quốc tế. Đặc biệt vấn đề an ninh, an toàn hàng hải. Cả thế giới đã lên tiếng, Trung Quốc không muốn quốc tế hóa nhưng tự thân họ đã đẩy vấn đề ra quốc tế. Và nếu cứ hung hăng, ngang ngược đẩy căng thẳng vượt quá giới hạn, chúng ta sẽ phải tự vệ đáp trả”, vị lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh bày tỏ quan điểm.

ASEAN kêu gọi chấm dứt căng thẳng trên biển Đông

Cũng trong ngày 11/5, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại thủ đô của Myanmar đã ra Tuyên bố Naypyitaw kêu gọi chấm dứt hành động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

Tại các cuộc họp, các lãnh đạo ASEAN đều bày tỏ quan ngại sâu sắc với diễn biến này và cho rằng đây là hành động nguy hiểm, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên ký kết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông cũng như hòa bình và ổn định của khu vực.

Vì vậy, tiếp theo việc các Ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố riêng về tình hình biển Đông hiện nay vào hôm 10/5, các lãnh đạo hôm 11/5 cũng phản ánh mối quan tâm này trong Tuyên bố Naypyitaw về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Tuyên bố Naypyitaw khẳng định: “Các lãnh đạo ASEAN đồng ý đẩy mạnh hợp tác để Tuyên bố chung của các bên về Quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”.

Các lãnh đạo “đặc biệt kêu gọi các bên liên quan thực hiện kiềm chế và không dùng vũ lực, đồng thời chấm dứt các hành động có thể làm căng thẳng thêm tình hình và sớm tiến tới một bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) như phản ánh trong Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông của ASEAN”, Tuyên bố viết.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua bản tuyên bố riêng ngày 10/5 của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình biển Đông hiện nay.

“Điều này thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung.

Tướng Pháp: Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế

Tướng Daniel Schaeffer - nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Trung quốc, Việt Nam và Thái Lan, nay là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí vào vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam là một bước đi nữa của nhà cầm quyền Trung Quốc trong chiến lược nhằm cụ thể hóa việc khẳng định tham vọng ở Biển Đông với việc thực hiện yêu sách về "đường lưỡi bò 9 đoạn".

Đây là một phần trong chiến lược mà Trung Quốc đã đẩy mạnh thực hiện suốt từ năm 2006 đến nay, để bằng sức mạnh buộc các nước trên thế giới phải công nhận về sự tồn tại của "đường lưỡi bò", rằng vùng biển ở trong "đường lưỡi bò" là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc và Trung Quốc có các quyền trong vùng biển này.


Trung Quốc muốn độc chiếm nguồn tài nguyên dầu lửa, khí đốt hải sản... Nguồn lợi này là rất lớn, nhưng nó chỉ là bề nổi để che giấu một thực tế là Trung Quốc muốn tạo một lối đi an toàn cho tất cả các tàu ngầm của mình ra vào căn cứ hải quân ở trên đảo Hải Nam, qua các khu vực nước sâu ở Biển Đông hoặc đi qua eo biển giữa Philippines và Đài Loan; và đặc biệt là để triển khai các tàu ngầm nguyên tử, tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSBN) có khả năng tiếp cận đến các mục tiêu dọc bờ biển của Mỹ.

Theo Tướng Daniel Schaeffer, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Nhật, Nga... cần có hành động dứt khoát, kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Trung Quốc trả lời về những cam kết của họ đối với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển, từ bỏ những yêu sách về chủ quyền đối với "đường lưỡi bò". Chỉ khi Trung Quốc từ bỏ yêu sách về "đường lưỡi bò", lúc đó chúng ta mới có thể đàm phán về các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Cũng nói về việc Trung Quốc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư phụ trách quan hệ quốc tế Đảng cộng sản Argentina (PCA), Jorge Alberto Kreyness đã  nêu bật sự cần thiết tôn trọng nguyên tắc chung sống hòa bình, luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

Đồng thời, ông Kreyness còn bày tỏ tin tưởng các quốc gia liên quan sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Luật sư kiến nghị khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế

Chiều 11/5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức phiên họp bất thường tuyên bố phản đối hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Liên đoàn luật sư khẳng định, hành vi của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình và an ninh tại khu vực Biển Đông, mà cùng với yêu sách vô căn cứ về “đường 9 đoạn” đã và đang gây nguy hại tới an ninh, an toàn hàng hải của cộng đồng quốc tế ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Thay mặt giới luật sư Việt Nam, Liên đoàn tuyên bố yêu cầu Chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chấm dứt các hành vi xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; chấm dứt hoạt động và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981, rút hết các tàu công vụ và quân sự đang hộ tống giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và không lặp lại hành động tương tự trong tương lai.


Liên đoàn cũng kêu gọi toàn thể giới luật sư quốc tế, giới học giả và nghiên cứu quốc tế về Biển Đông lên án hành vi phạm của Chính phủ Trung Quốc; kêu gọi nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý quốc tế trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bảo vệ luật pháp và công lý quốc tế, giữ gìn hòa bình ổn định và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương. Tại phiên họp,

Luật sư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển Hoàng Ngọc Giao kiến nghị Chính phủ đứng đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về hành vi xâm chiếm lãnh thổ, đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực với quốc gia khác. “Xây dựng được bộ hồ sơ kiện cũng là căn cứ pháp lý trên mặt trận đấu tranh của nhân dân ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa", ông Giao nhấn mạnh.

Trung Quốc giãy nảy

Sau khi các Ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng "vấn đề biển Đông không phải chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN".

Tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao nước này hôm 10/5, ngay sau khi khi các ngoại trưởng ASEAN tại Myanamar lần đầu tiên trong gần 20 năm qua ra tuyên bố chung bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” đối với diễn biến phức tạp hiện nay trên Biển Đông và kêu gọi một giải pháp hòa bình.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với ASEAN, để tiếp tục triển khai DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông), được ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002 với cam kết duy trì kiềm chế và không thực hiện các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, bà Hoa lại cho rằng vấn đề trên Biển Đông hiện nay không phải là “câu chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN”.

“Trung Quốc luôn luôn phản đối nỗ lực của một hoặc hai nước dùng vấn để biển Đông để làm tổn hại đến tình hữu nghị và hợp tác nói chung giữa Trung Quốc và ASEAN” – bà Hoa gay gắt.

Phản ứng nói trên từ phía Trung Quốc được cho là không nằm ngoài dự đoán bởi theo giới phân tích, Bắc Kinh gây căng thẳng với nhiều nước liên quan tới Biển Đông nhưng chỉ muốn giải quyết tranh chấp với từng nước riêng rẽ.

Theo: baodatviet.vn